Thái thượng hoàng Trần_Minh_Tông

Thời Trần Hiến Tông

Ngày 7 tháng 2 âm lịch năm Kỷ Tỵ (tức ngày 7 tháng 3g năm 1329), Trần Minh Tông xuống chiếu phong Trần Vượng (10 tuổi) làm Thái tử. Đến ngày 15 tháng 3 thì ông nhường ngôi cho Thái tử Vượng. Thái tử lên ngôi Hoàng đế, tức Trần Hiến Tông (陳憲宗), tự xưng là Triết Hoàng (哲皇), tôn vua cha làm Thái thượng hoàng với hiệu là Chương Nghiêu Văn Triết Thái Thượng Hoàng Đế (章堯文哲太上皇帝). Thượng hoàng lui về phủ Thiên Trường.[36][38][37] Theo sách Đại Việt Sử ký Toàn thư, Hiến Tông có "tư trời tinh anh, sáng suốt", nhưng vì tuổi còn trẻ nên Thượng hoàng nắm quyền quyết định mọi việc trong nước.[40][31]

Sau khi Hiến Tông vừa lên ngôi, vào mùa đông năm 1329, quân Ngưu Hống tấn công miền tây bắc. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, Ngưu Hống đã thần phục Đại Việt từ thời Trần Nhân Tông, nay lại sang đánh chiếm vùng Đà Giang.[36] Minh Tông đốc suất đại quân đánh "man Ngưu Hống", và sai Thiêm tri Nguyễn Trung Ngạn đi theo để biên soạn thực lục.[41] Trước ngày xuất quân, Trần Khắc Chung đã khuyên thượng hoàng nên đánh Chiêm Thành thay vì Ngưu Hống, viện lẽ rằng các đời vua trước đánh Chiêm Thành thường bắt được vua nước đó, đang khi Đà Giang "vốn có tiếng là đất lam chướng, lại nhiều ghềnh thác chảy xiết, không lợi cho việc hành quân". Thượng hoàng từ chối, bảo rằng ông có nghĩa vụ phải cứu giúp nhân dân ở bất cứ nơi nào có loạn, không được "so đo khó dễ lợi hại".[36] Trong chiến dịch này, cánh quân tiên phong của Đại Việt do Chiêu Nghĩa hầu chỉ huy bại trận, Tuyên uy tướng quân Vũ Tư Hoằng chết. Thượng hoàng đưa đại quân lên đánh, quân Ngưu Hống chạy trốn vào rừng núi, rồi đại quân trở về Kinh sư.[41][42]

Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, năm 1334, quân Ai Lao xâm lấn biên giới phía tây, Thượng hoàng lại thân chinh đi đánh dẹp. Khi đại quân của ông tới Châu Kiềm (Nghệ An), quân Ai Lao lập tức tháo chạy. Thượng hoàng sai Nguyễn Trung Ngạn soạn bài bia ghi lại chiến thắng khắc lên núi đá, rồi đem quân trở về.[43][44] Năm sau (1335) Ai Lao lại kéo vào đánh phá ấp Nam Nhung thuộc Châu Kiềm (Nghệ An), Thượng hoàng Minh Tông định thân chinh, nhưng lại bị đau mắt, có người xin hoãn lại. Minh Tông không đồng tình, vì cho rằng thiên hạ sẽ bảo mình nhát và quyết tâm thân chinh.[43] Đến Nghệ An, Thượng hoàng cử Đoàn Nhữ Hài làm chỉ huy quân Thần Vũ, Thần Sách và quân Nghệ An tấn công trại Ai Lao trên sông Tiết La (có lẽ là một đoạn sông Lam gần Cửa Rào). Đoàn Nhữ Hài khinh suất ra quân nên đúng lúc gặp sương mù bị rơi vào phục kích, bị thua trận và chết đuối. Thượng hoàng khóc thương tiếc và không coi đó là lỗi của Nhữ Hài.[45][46] Tháng 2 âm lịch năm 1336, thượng hoàng rút quân về Thăng Long.[47]

Ghi chép về chiến dịch Ai Lao của thượng hoàng Trần Minh Tông trong Đại Việt Sử ký Toàn thư có mâu thuẫn với nội dung Ma Nhai kỷ công bi văn, tấm văn bia khắc trên núi Thành Nam (xã Chi Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An ngày nay) do Nguyễn Trung Ngạn soạn thảo, để kỉ niệm chiến thằng của Minh Tông. Theo Toàn thư thì năm 1334, thượng hoàng đánh Ai Lao lần đầu, quân Ai Lao chưa đánh đã tan, rồi thượng hoàng sai Nguyễn Trung Ngạn khắc văn bia lên núi đá; năm 1335, thượng hoàng đánh Ai Lao lần hai, bị thua.[43] Nhưng văn bia của Nguyễn Trung Ngạn lại ghi nhận thời điểm ra đời của nó là vào mùa đông năm Ất Hợi (1335) và kể rằng trong năm này, thượng hoàng đem sáu quân đánh bại Ai Lao, tù trưởng Ai Lao là Bổng phải trốn chạy.[48]

Tháng 6 âm lịch năm 1336, thượng hoàng tiến hành xét duyệt các quan văn võ. Tháng 7 âm lịch năm 1337, thượng hoàng cho Nguyễn Trung Ngạn làm An phủ sứ Nghệ An kiêm Quốc sử viện giám tu quốc sử, Hành Khoái Châu lộ tào vận sứ. Trong khoảng năm 13331338 có nhiều thiên tai như lụt lội, bão gió, động đất; do vậy, Nguyễn Trung Ngạn đề xuất lập kho lương chứa thóc tô để kịp thời cứu trợ dân đói. Thượng hoàng chấp nhận, và xuống chiếu cho các lộ áp dụng theo ý Trung Ngạn.[47]

Tháng 9 âm lịch năm 1337, thượng hoàng truyền lệnh cho các quan trong triều và ở các lộ, mỗi năm đều phải khảo sát các thuộc viên dưới quyền mình, ai có bằng chứng rõ ràng về sự cần mẫn, tận tụy thì được giữ lại, còn ai biếng nhác thì cho nghỉ việc.[47][49]

Cũng trong nửa sau năm 1337, thượng hoàng sai Hưng Hiếu vương đêm quân đánh Ngưu Hống ở Đà Giang. Hưng Hiếu vương tấn công vào trại Trình Kỳ, tiêu diệt quân Ngưu Hống và chém chết tù trưởng Xa Phần.[47][49] Về Thăng Long, các binh tướng có công đều được trọng thưởng. Hưng Hiếu vương xin thưởng cho cả người giữ thuyền, như Trần Khánh Dư đã làm khi chinh chiến ở Nam Nhung ngày trước. Thượng hoàng từ chối, vì xét thấy "Khánh Dư đi đánh Nam Nhung, từ Nghệ An đi bộ mấy ngày, đến sông Nam Nhung mới đục gỗ làm thuyền. Đó là giữ thuyền trong đất của giặc, chứ không phải là giữ thuyền ở Nghệ An. Người giữ thuyền lần này thì khác thế. Vả lại... nếu người giữ thuyền muốn nhờ ở chiến thắng để lấy thưởng, giả sử người đi đánh bị chết thì người giữ thuyền cũng chịu chết chăng?" Gia nô của Hưng Hiếu vương là Phạm Ngải có đóng góp vào chiến thắng, song thượng hoàng tuân theo lệ đời trước, nên không cho Ngải làm quan và chỉ tặng Ngải 5 phần suất ruộng.[47][49]

Trong thời kỳ này có Hậu nghi đài lang, Thái sử cục lệnh là Đặng Lộ người huyện Sơn Minh (nay là Ứng Hòa, Hà Nội) đã chế ra một dụng cụ xét nghiệm khí tượng gọi là Lung Linh nghi, khi khảo nghiệm không việc gì là không đúng. Mùa xuân năm 1339, Đặng Lộ xin đổi tên lịch Thụ thì (tên lịch từ nhiều đời trước đến nay) thành lịch Hiệp kỷ, được thượng hoàng chuẩn tâu.[31]

Thời Trần Dụ Tông

Ngày 11 tháng 6 năm Tân Tỵ (tức ngày 24 tháng 7 năm 1341), Trần Hiến Tông mất ở chính tẩm, hưởng dương 23 tuổi. Lúc này, bà Hiến Từ đã sinh cho Thượng hoàng 2 hoàng tử Trần Nguyên Dục và Trần Hạo. Nguyên Dục là trưởng nam, nhưng bị Thượng hoàng xem là "người ngông cuồng" và không chọn làm vua.[50][51] Ngày 21 tháng 8 âm lịch (tức ngày 2 tháng 10) năm 1341, Thượng hoàng lập Trần Hạo lên ngôi, tức Hoàng đế Trần Dụ Tông (陳裕宗), lấy niên hiệu là Thiệu Phong. Dụ Tông mới 6 tuổi nên Thượng hoàng vẫn cai quản mọi việc triều chính. Cuối năm 1341, ông sai Nguyễn Trung NgạnTrương Hán Siêu biên soạn bộ Hoàng triều đại điển và khảo soạn bộ Hình thư để ban hành.[50][51]

Mùa xuân năm 1342, Thượng hoàng tiến hành khảo sát các quan văn võ và tạp lưu. Đến tháng 7 âm lịch, ông phong Trương Hán Siêu làm Tả ty lang trung kiêm Kinh lược sứ Lạng Giang, lại sai Nguyễn Trung Ngạn tuyển đinh tráng các lộ để bổ sung vào Cấm vệ quân. Từ đây, Khu mật viện bắt đầu được nắm Cấm vệ quân.[50]

Cũng trong năm 1342, Thượng hoàng sa thải Giám sát ngự sử Doãn Định và Nguyễn Như Vi. Nguyên là khi Ngự sử đài vừa được trùng tu, Thượng hoàng đến thăm Ngự sử đài, được Ngự sử Trung tán Lê Duy theo hầu. Doanh Định, Nguyễn Như Vi dâng sớ kháng nghị, nói Thượng hoàng không được vào Ngự sử đại và trách Lê Duy không chịu can gián. Thượng hoàng đã nhiều lần dụ họ, bảo là: "Ngự sử đài cũng là một trong các cung điện, chưa từng có cung điện nào mà thiên tử không được vào... Ngày xưa Đường Thái Tông còn xem Thực lục, huống chi là vào đài!"; nhưng hai người vẫn không phục, để rồi bị bãi chức.[50] Theo sử gia Mỹ hiện đại K. W. Taylor, trong bối cảnh nhiều tôn thất-công thần đã mất (Trần Nhật Duật 1330, Trần Khánh Dư 1340...) và Nho quan gốc bình dân được cất nhắc nhiều hơn, thái độ của hai giám sát ngự sử cho thấy quan viên nguồn gốc bình dân đã bắt đầu trở nên gắn liền vào cái mà họ cho là đặc quyền của mình tại triều đình.[52]

Mùa xuân năm 1344, Thượng hoàng ban bố một số cải cách hành chính, bao gồm:[53]

"Đổi Hành khiển ty ở cung Thánh Từ làm Thương thư sảnh, còn Hành khiển ty ở cung Quan Triều vẫn để là môn hạ sảnh như cũ.Đặt đại sứ và phó sứ của viện Tuyên Huy.Đổi kiểm pháp quan của viện Đăng Văn thành Đình úy, Tự khanh và Thiếu khanh.Đặt đồn điền sứ và phó sứ ở ty Khuyến nông.Lộ lớn thì đặt An phủ sứ và phó sứ, thuộc châu thì đặt Thông phán. Lại đặt chức Đề hình và chức Tào ty chuyển vận ở lộ nhỏ. Phủ Thiên Trường thì đặt là Thái phủ và Thiếu phủ."

Trong thời Thiệu Phong, một vài đợt hạn hán, mất mùa lớn đã xảy ra, dẫn đến đói kém và bạo loạn ở nhiều nơi. Một số cuộc nổi dậy của nông dân đã bùng phát, như của Ngô Bệ người Trà Hương (tháng 2 âm lịch năm 1344) và người tên Tề xưng làm cháu ngoại Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (tháng 3 âm lịch năm 1354).[51][54] Ngoài ra còn có những cuộc bạo động khác của người Lạng SơnThái Nguyên năm 1351.[55] Thượng hoàng phải lập 20 đô phong đoàn ở các lộ để trấn áp. Trừ cuộc nổi dậy của Ngô Bệ tới năm 1360 mới bị dẹp, các cuộc nổi dậy khác đều nhanh chóng bị dập tắt. Bên cạnh đó, Minh Tông cũng ban hành những biện pháp như "giảm một nửa thuế nhân đinh" (1343), "soát tù, giảm tội bọn tội phạm" (1345) và "giảm một nửa tô ruộng" (1354) nhằm cải thiện dân tình.[56]

Tháng 3 âm lịch năm 1345, Thượng hoàng mở khoa thi Thái học sinh để tuyển quan, trong đó cho thi các môn ám tả, cổ văn, kinh nghĩa và thi phú. Cũng trong thời gian này, ông ra lệnh khôi phục chức tước cho Huệ Vũ Đại vương Quốc Chẩn.[56]

Trong thời kỳ này, thuyền buôn Trung Quốc và nước ngoài tập trung đông đúc ở trấn Vân Đồn (Quảng Ninh); hoạt động buôn bán nơi đây diễn ra rộn rịp. Điều này đem lại nhiều lợi ích kinh tế – tài chính cho Đại Việt, nhưng cũng ẩn chứa rủi ro. Chẳng hạn, khi Trung Quốc muốn tấn công Đại Việt, trong số thương nhân người Hoa ở Vân Đồn thường có người đứng ra làm trung gian giữa Trung Quốc với những người Đại Việt theo Trung Quốc. Do vậy, triều đình Đại Việt chủ trương kiểm soát ngoại thương.[57] Tháng 11 âm lịch năm 1349, Thượng hoàng đặt ra quan trấn, quan lộ và sát hải sứ ở trấn Vân Đồn, lại đặt quân Bình Hải để đề phòng giặc cướp và quản lý Vân Đồn.[58][59] Chính sách kiểm soát ngoại thương sẽ còn được phát triển rộng trong thời , đưa đến tình trạng bế quan tỏa cảng.[57]

Năm 1345, vì Chiêm Thành đã lâu không cống, Thượng hoàng cử sứ sang trách hỏi, Chiêm Thành chịu cống nhưng chỉ dâng lễ vật sơ sài.[56] Tháng 5 âm lịch năm đó, người Ai Lao lại sang quấy nhiễu biên giới. Thượng hoàng sai Bảo Uy vương là Hoàn đi đánh, phá tan quân Ai Lao, thu được nhiều tù binh và gia súc. Từ đây đến khi nhà Trần cáo chung (1400), quân Ai Lao không còn xâm lấn Đại Việt nữa. Hai năm sau (tháng 6 âm lịch năm 1347), Minh Tông giết Bảo Uy vương vì tội tư thông với cung nữ và ăn cắp áo của Dụ Tông.[56]

Sau khi vua Chiêm Chế A Nan chết, hai con rể là Trà HòaChế Mỗ tranh đoạt quyền kế vị. Năm 1351, Chế Mỗ sang Đại Việt, dâng cống thú lạ và cầu viện vua Trần. Thượng hoàng sai đại quân đưa Chế Mỗ về nước. Bộ binh đến Cổ Lũy (Quảng Ngãi), thủy quân tải lương không kịp, bèn rút lui về. Chiến dịch đánh Chiêm 1351 thất bại, và Chế Mỗ ở lại Đại Việt cho tới khi chết.[56]

Tháng 9 âm lịch năm 1353, Trà Hòa xua quân đánh phá châu Hóa (Thừa Thiên-Huế ngày nay). Quân Đại Việt bị thiệt hại nặng nề. Phải đến khi vua Trần Dụ Tông cử Trương Hán Siêu làm chỉ huy quân Thần Sách tại châu Hóa, tình hình mới ổn định trở lại.[56][60]